Cơn đau đầu của Thái Lan cũng là vấn đề của cả Đông Nam Á
BongDa.com.vnThời gian gần đây, bóng đá Thái Lan đang phải trải qua liên tiếp những cơn ác mộng.
Những án phạt liên tiếp từ AFC liên quan đến pháo sáng hay vụ ẩu đả ở chung kết SEA Games 32. Rắc rối xoay quanh vị chủ tịch đầy điều tiếng, Somyot Pampanmoung của Liên đoàn bóng đá Thái Lan. Nhưng khủng khiếp nhất vào lúc này, chắc chắn phải là nguy cơ to lớn mà nhiều CLB trong hệ thống thi đấu của Thai League đang phải đối mặt - thứ mà chúng ta tưởng như người Thái sẽ chẳng bao giờ phải đối mặt.

Một ví dụ cho khó khăn của bóng đá Thái Lan: Đội bóng MH Nakhon Si đã xin không tham gia Thai League 2 vì thiếu kinh phí hoạt động.
Như đã thông tin, giá trị bản quyền truyền hình của Thai League đã tụt dốc không tưởng đến 20 lần, từ 1,05 tỷ baht (700 tỷ đồng/mùa) chỉ còn con số đề xuất 50 triệu baht. Hiện các CLB Thái Lan vẫn đang cố gắng đoàn kết, gây sức ép cho các nhà đài nâng giá, nhưng nỗ lực này chưa mang lại tín hiệu khả quan nào.
Nếu không có sự cải thiện nào so với đề xuất nghèo nàn này, các đội bóng hạng dưới của Thái Lan – bao gồm Thai League 2 và 3 – sẽ đứng trước hiểm cảnh, thậm chí giải đấu đối diện nguy cơ giải thể nếu quá nhiều đội xin rút hay không đủ tài chính để vận hành.
Câu chuyện của bóng đá cấp CLB Thái Lan chắc chắn gây bất ngờ cho phần đông CĐV trong khu vực. Những năm gần đây, Thai League vẫn được coi là giải đấu kiểu mẫu của Đông Nam Á, nơi nhiều CLB phát triển đúng nghĩa chuyên nghiệp, có thể lấy bóng đá nuôi bóng đá, đẹp từ hình ảnh cho đến thành tích tại AFC Champions League cũng ngày một tốt lên.
Ấy thế nhưng, đằng sau một lớp trang điểm lộng lẫy ấy, hệ thống thi đấu ở xứ Chùa vàng từ chân đế là các giải hạng dưới hóa ra vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Câu chuyện lại xoay quanh hai chữ “tiền đâu”, điều mà ngoài Thái Lan, hầu như nền bóng đá nào trong khu vực cũng đang phải đau đầu tìm lời giải.

Chẳng riêng Thai League, các giải đấu khu vực như Malaysia Super League cũng chật vật với khó khăn tài chính của nhiều CLB.
Mới nhất ở Việt Nam, các cầu thủ đội Bà Rịa – Vũng Tàu cũng phải “kêu cứu” khi bị nợ lương. Đáng nói, Bà Rịa – Vũng Tàu không lâu trước vẫn còn được ca ngợi hết lời về “làm bóng đá chuyên nghiệp” với sân bóng đẹp, hiện đại, tổ chức bài bản, liên kết quốc tế,... Đội bóng có biệt danh "Ó biển" chỉ là trường hợp mới nhất, bổ sung vào danh sách dài những CLB chuyên nghiệp Việt Nam vật lộn với vấn đề tài chính.
Ở các nền bóng đá hàng đầu khu vực khác, Indonesia, Malaysia cũng phải tái cấu trúc các giải đấu của họ. Chỉ có một số CLB có truyền thống và tiềm lực mới đủ khả năng tồn tại ổn định, số còn lại vẫn luôn ngấp nghé bờ vực và thậm chí phá sản, giải thể, rút lui là những câu chuyện bình thường.
Singapore, Campuchia, Lào đều sở hữu những giải VĐQG với quy mô quá nhỏ. Philippines với những sân cỏ nhân tạo cũng chưa thể tạo nên một hệ thống giải đấu mạnh, khi các nhà đầu tư thích những môn thể thao quốc dân như bóng rổ hơn là bóng đá. Myanmar, với những vấn đề nội tại, đã một khoảng thời gian bị gạt khỏi bức tranh chung của bóng đá quốc tế cấp CLB.
Sau đại dịch COVID-19, vấn đề tài chính đối với các CLB Đông Nam Á càng trở nên trầm trọng hơn, dẫn tới những trường hợp biến mất khỏi bản đồ bóng đá vô cùng đáng tiếc. Câu chuyện của Thái Lan mới đây lại là thêm một hồi chuông nữa gióng lên, cảnh tỉnh các CLB và các nhà quản lý bóng đá Đông Nam Á cần nỗ lực nhiều hơn, để các hệ thống thi đấu quốc gia của khu vực ngày có thể phát triển chuyên nghiệp một cách thật bền vững.
(Bạn đọc: Ngọc Bách)