Martin Forkel và nhiệm vụ nâng tầm thể lực cho đội tuyển Việt Nam
BongDa.com.vnChứng kiến đội tuyển U19 tại giải vô địch châu Á mới đây và đội tuyển Việt Nam đang thi đấu tại AFF Cup 2016, chúng ta lại phải cảm ơn vị chuyên gia Martin Forkel.

Đội tuyển Việt Nam cho thấy nhiều cải thiện ở vấn đề thể lực tại AFF Cup 2016. Ảnh: Đình Viên.
Liệu rằng đó có phải là một phép màu hay không khi các cầu thủ chỉ trong vài tháng có thể có được điều mà nhiều bậc đàn anh đã không thể có. Đó là sức mạnh và thể lực.
Việc đầu tiên mà Martin Forkel làm trước khi bước vào rèn thể lực là đo sức chịu đựng của cầu thủ, từ đó mới có thể đưa ra bài tập thích hợp với thể trạng của cầu thủ đó nhất. Theo ông Forkel các cầu thủ Đức trung bình có mức chịu đựng ở mức 19, cầu thủ U19 Đức là 16,5. Con số tương tự với cầu thủ Việt Nam chỉ là 13 và 10.
Martin Forkel cho rằng các cầu thủ Việt Nam có chỉ số thể lực thấp không nằm ở thể trạng của cầu thủ Việt Nam. Mà nằm ở các lí do sau:
Thứ nhất, các đội bóng ở Việt Nam thì chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề khoa học và thể lực. Hãy cùng nói về mô hình tập luyện và thi đấu của một câu lạc bộ. Sau khi giải đấu kết thúc, các tuyển thủ sẽ trở về đội bóng chủ quản, nơi mà ban huấn luyện chỉ là huấn luyện trưởng và trợ lí phần lớn là các cựu cầu thủ từng đi học lớp huấn luyện viên bằng A, bằng B, làm việc bằng kinh nghiệm là chủ yếu. Và khi đó không còn Forkel ở bên cạnh, “chữ thầy lại trả thầy”.
Khoảng cách giữa bóng đá hiện đại ngày được rút ngắn, ai là người chuẩn bị kĩ càng và hoàn chỉnh hơn, sẽ có cơ hội chiến thắng cao hơn nhiều.
Thứ hai, đó chính là bản thân các cầu thủ Việt Nam cũng không có ý thức giữ gìn thể lực của mình. Thể lực sẽ không tồn tại mãi mà sẽ mất đi nếu không được gìn giữ. Một tháng tập luyện đúng cách có thể tạo ra một nền tảng thể lực tốt cho một giải đấu. Nhưng ai cũng biết thể lực phải được tích lũy lâu dài.
Forkel đã tiến hành các bài tập cụ thể cho từng mức chịu đựng của các cầu thủ và cho kết quả sau 5 tuần. Ở lần đo đầu tiên (1/8) không cầu thủ của đội tuyển Việt Nam nào có mức chịu đựng ở mức 13, sau đó 5 tuần (6/9), đã có 9 cầu thủ đạt mức này. Forkel cho rằng đó vẫn không phải là mức cuối cùng của các cầu thủ Việt Nam, nếu nỗ lực họ sẽ còn tiến bộ hơn nhiều nữa.

Chuyên gia Martin Forkel cho rằng: Thể lực của cầu thủ Việt có thể được nâng cao hơn nữa.
Người Đức không làm thể thao theo cảm tính. Họ dựa vào các thông số kĩ thuật và phân tích chính xác. Chương trình của chúng ta đã không ít lần nói về các công nghệ của người Đức. Công nghệ đã giúp họ phân tích từng cú sút, từng pha cản phá của thủ môn. Bóng đá đang không còn là trò chơi bản năng nữa. Nó là cuộc chơi của công nghệ hiện đại. Martin Forkel đang là người đi những bước cơ bản nhất để đưa công nghệ vào bóng đá Việt Nam.
(Bạn đọc: Nguyễn Danh Nghĩa)